Vụn Vặt 2.

Tôi ghiền Cafe đủ nhiều, để mỗi sáng nếu không phải vội đến trường, thì đều uể oải nếu chưa bấm nút đun một ấm nước, cho Cafe bột vào chiếc filter giấy cỡ 2 rồi mới đi đánh răng rửa mặt. Cái động tác chế nước sôi vào filter như một thói quen, như một nghi lễ cẩn trọng để bắt đầu ngày mới. Nếu tín đồ đạo Hồi xem việc cầu nguyện lúc bình minh là để tôn vinh Mặt Trời, thì với tôi, pha một tách Cafe để mời Mặt Trời mỗi sáng cũng là một điều không quá rườm rà.

Trong "Vang bóng một thời", Nguyên Tuân đã say mê miêu tả một cụ Cử trong thời tàn của Nho học bắt đầu một ngày với Trà Tàu như là một cách để di dưỡng cái tinh thần của một thời xưa cũ. Tôi bị ấn tượng nhiều về những trang viết ấy trong Vang Bóng Một Thời, để mãi đến bây giờ vẫn hy vọng một ngày nào đó được đối ẩm với một tri kỷ bên một lò than nhỏ, cạnh một cái ấm da lươn làng Chu Đậu, giữa gian phòng thoảng hương trà ướp hoa nhài, trong một buổi mai tháng Chạp.

Cũng vì thế, tôi nâng những cảm hứng về Cafe như một niềm say mê huyền hoặc.

Nhiều khi, trong những lúc rảnh rỗi, hoặc trước khi bắt tay vào làm cái gì đấy khó khăn, tôi tự nhủ, pha một tách Cafe, có lẽ sẽ tốt hơn. Bao giờ cũng thế, hương thơm nồng từ thứ nước sánh ấy tạo cho tôi một niềm hưng phấn đủ để bắt đầu những công việc. Dù là khó khăn đến thế nào.

Không cứ phải là buổi sáng, tôi thường nhâm nhi Cafe vào buổi chiều tà. Ngày xưa tôi rất ghét hoàng hôn, vì đầy đủ những sự cô đơn hoà quyện vào phút tàn ngày. Lớn dần, theo bước thiên di của thời gian, tôi dần cô độc hơn. Những chiều tan học thong thả nơi thành phố quê nhà. Những tan tầm nghẹt thở trong còi xe khói bụi thời ở H.N. Những chiều tối cô độc xứ này. Mọi thứ dường như tạo điều kiện cho tôi được dọn mình trong những bình yên tự tạo, để có thể ngẫm nhiều hơn về cuộc đời. Và, cũng dần dà, theo thói quen, tôi thường ngồi bên một tách Cafe mỗi khi chiều tà rảnh rỗi, để cuộc đời tan dần trong những giọt nước nồng thơm.

Hồi còn ở chung với mấy cậu bạn ở H.N, tôi chỉ hay uống Cafe đêm. Sau bữa ăn chung, pha 2-3 tách Cafe cho cả 4 thằng (S. không thích Cafe), rồi cùng ngồi nghe thời sự (rất văn hoá so với sinh viên đương thời thì phải), tán gẫu và bàn luận chuyện xã hội. Đó có lẽ là những bình yên nhẹ nhõm của một thời sinh viên Hà Thành, trong căn nhà có 2 cây Guitar. Nếu S. không phải đi học ôn S.A.T hoặc Q. không phải đi với hội sinh viên bên FTU, T. không phải đi học tiếng Anh gần trường (tôi thì chỉ ra ngoài buổi tối mỗi khi có hẹn với D.) thì bữa tối thường đủ 4 thằng, đủ tiếng hò hét, đủ âm nhạc và gào thét. Cuộc đời, xem ra cũng thật vui.

Điều thay đổi từ hồi sang đây, đó là tôi uống Cafe khuya nhiều hơn. Ban đầu thì là vì nghĩ rằng Cafe bên này không nặng như ở nhà nên uống cũng chả sao. Sau thì thành thói quen, vì ăn tối muộn. Những tách Cafe châu Âu không rõ ràng một hương thơm nồng, nhất là Cafe hoà tan (không phải lại có đường sữa như ở nhà). Cho đến khi chuyển sang pha Cafe bột (đã rang và xay) bằng filter giấy thì tôi mới công nhận là châu Âu cũng có Cafe ngon. Uống Cafe khuya, nhất là những đêm cuối tuần tháng 12, là cách đơn giản nhất đẩy những mông lung đến cực độ. Cô đơn cũng thế.


Mưa tháng Tám

Mấy đêm nay đi làm về toàn tầm nửa đêm. Không công việc đầu tiên và càng không phải lần đầu tiên tôi làm những việc phải tan tầm vào nửa đêm. Nhưng lần này có nhiều điều đặc biệt. Sau những mệt mỏi của nửa ngày ròng rã đứng, đứng và đứng, tôi mới thấy những bình yên thật sự là như thế nào.

Ánh trăng nào tròn như ánh trăng tháng Tám sau một ngày làm việc.
Cơn gió nào mát ngọt như cơn gió đêm tháng Tám, trên đường về nhà giữa đêm khuya.
Bài hát nào sâu lắng hơn bài hát nhẹ nhàng về những niềm thương ngày xa nhau.
Bình yên nào mà không xót xa ? Bình yên nào mà không phải tranh đấu ?

Tôi cảm thấy trong sâu thẳm trái tim mình, sâu thẳm cõi lòng mình, bình yên đang đến dịu dàng nhất, từ giữa những chông gai.


Tôi đã hiểu vì sao, Hạnh Phúc Là Đấu Tranh.

Tôi sẽ gắng hết mình, cho những niềm tin chưa bao giờ chết !

Nhận xét

Bài đăng phổ biến từ blog này

Thịnh tình khó khước.

6 Năm. Về chúng ta.

đầu năm nói chuyện nhân sinh (st)